Làng Sình là tên gọi chữ Nôm của làng Lại Ân, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 9km về phía Đông thuộc xã Phú Mậu. Nơi đây được biết đến với nghề làm tranh dân gian làng Sình nổi tiếng. Ngay từ khi hình thành, tranh làng Sình tuy có nhiều đặc điểm giống với dòng tranh Đông Hồ, nhưng để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng trong các lễ cầu an, giải hạn ở đây nên các nghệ nhân đã chế ra các bản khắc hình vẽ khác. Thế nên, tranh làng Sình mới nổi danh là dòng tranh thờ cúng, khác với tranh Đông Hồ dùng để trang trí.
Tranh làng Sình hoàn toàn làm thủ công. Để có một bức tranh phải trải qua đủ 7 công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn. Để tạo ra giấy in những bức tranh truyền thống, người dân làng Sình xuôi thuyền dọc phá Tam Giang về vùng cầu Hai, thị trấn Lăng Cô để cào điệp. Đây là loại sò có vỏ mỏng nhiều màu sắc. Sò sau khi cào về giã thành bột, rồi trộn với hồ, sau đó phết hỗn hợp này hai lần lên giấy dó. Đây cũng là nét độc đáo, riêng biệt của dòng tranh dân gian ở làng Sình.
Về chủ đề, có thể chia tranh Sình thành ba nhóm chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thờ cúng. Ngày nay, với nhu cầu hiện đại, Tranh Sình đã có thêm các nội dung khác ngoài thờ cúng. Những bức tranh trang trí thuộc đề tài dân gian và tranh bát âm ra đời đã làm phong phú thêm cho tranh làng Sình. Dòng sản phẩm này rất được khách du lịch ưa chuộng. Đó có thể là hội vật hay các trò chơi kéo co, bịt mắt bắt dê…; rồi hình ảnh bát âm gồm nhị, nguyệt, trống, sáo, đàn bầu, tỳ bà, đàn tranh.
Loại hình
- Điểm Đến Nổi Bật
- Trải Nghiệm Huế
Liên hệ
- Làng Sình, xã Lại An, huyện Phú Vang
Viết đánh giá
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn